Thu hút vốn đầu tư: Cảnh giác, kiểm soát chặt dự án kém chất lượng

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng và xu hướng này được dự báo còn tiếp tục. Đây là diễn biến tích cực, song Việt Nam cần lựa chọn các dự án đầu tư có công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Có cần thiết đầu tư thêm dự án thép?

Sau khi nhận được đơn yêu cầu xem xét của các doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ xoay quanh dự án đầu tư nhà máy sản xuất của Công ty YongJin Metal tại Khu công nghiệp Long Giang (tỉnh Tiền Giang), Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) bày tỏ quan điểm đồng tình trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Theo VSA, hiện nay, điểm nổi bật của ngành thép toàn cầu, trong đó có Việt Nam, là dư thừa nguồn cung thép, gây ra sự bất ổn của thị trường. Các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ thương mại, chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế... đã được áp dụng đồng loạt ở nhiều quốc gia đối với các sản phẩm thép có xuất xứ Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện tái cấu trúc ngành công nghiệp thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra ngoài nước, trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam. Vì vậy, việc Công ty YongJin Metal hai lần xin phép đầu tư tại Đồng Nai (năm 2017 và 2018), nhưng bị từ chối và chỉ sau 8 tháng, công ty này đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư tại Tiền Giang là một hiện tượng cần quan tâm.

VSA nhất trí với kiến nghị của các nhà sản xuất về việc xem xét đánh giá tác động của việc cấp phép đầu tư cho Dự án Sản xuất thép không gỉ cán nguội của Công ty YongJin Metal, để tránh phát sinh thêm những bất ổn dư thừa nguồn cung trong nước.

Tổng công suất thép xây dựng của cả nước hiện khoảng 18 triệu tấn, nhưng mức tiêu thụ trong năm 2018 chỉ khoảng trên 10 triệu tấn. Bên cạnh đó, nhu cầu thép không gỉ cán nguội trong nước chỉ khoảng 500.000 tấn/năm, trong khi khả năng cung cấp của các dự án đang hoạt động lên đến hơn 700.000 tấn/năm.

Theo thống kê, các nhà máy sản xuất có tỷ lệ hoạt động trong quý I/2019 chỉ khoảng 50%. Dự kiến, cuối năm nay, khi các nhà máy đang được xây dựng đi vào hoạt động, tổng sản lượng thép không gỉ cán nguội có thể cung cấp ra thị trường lên đến trên 900.000 tấn. Khi đó, tình hình cung vượt cầu càng nghiêm trọng hơn.

Còn theo số liệu thống kê từ VSA, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ sản xuất đạt trung bình 63% công suất, thấp hơn so với mức huy động công suất bình quân của thế giới (khoảng 76,9%).

Quan ngại về môi trường và công nghệ

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, việc cấp phép cho các dự án đầu tư sản xuất thép nói chung và thép không gỉ nói riêng cần xem xét cụ thể trên cơ sở tình hình thị trường khu vực và thế giới, đồng thời, cần đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội.

“Sản phẩm dư thừa không chỉ khiến các doanh trong nước có nguy cơ phá sản, mà còn đưa lại hậu quả chung cho nền kinh tế. Tương tự như việc sản phẩm Trung Quốc mượn xuất xứ Viêt Nam sẽ đưa đến nguy cơ ngành hàng của Việt Nam cũng bị áp thuế phòng vệ thương mại”, ông Long cảnh báo.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý là, nguồn vốn đến từ Trung Quốc tăng mạnh, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 5/2019, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về vốn FDI đăng ký mới.

Thời gian gần đây, Trung Quốc tiến hành tái cấu trúc ngành công nghiệp thép theo hướng cắt giảm sản lượng sản xuất, đóng cửa cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu, không đảm bảo môi trường… Vì vậy, các doanh nghiệp thép của Trung Quốc có chiều hướng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Việt Nam.

Đánh giá về xu hướng này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch  Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM cho rằng, sự chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tạo ra những áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.

“Ngoài lợi thế là nước tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng ngày càng có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả với những ngành mà Trung Quốc chiếm ưu thế như may mặc, sản xuất linh kiện điện thoại di động… Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc muốn gia tăng đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nhất là những lĩnh vực họ có nhiều lợi thế như dệt may, da giày, đồ gỗ. Doanh nghiệp nội sẽ phải cạnh tranh gay gắt với họ”, ông Hạnh nói.

Tuy nhiên, quay lưng lại với các dự án đầu tư của Trung Quốc không phải là một lựa chọn đúng. GS-TSKH. Nguyễn Mại đã nhiều lần khẳng định, “chẳng dại gì” mà không có định hướng để tận dụng lợi thế của Việt Nam, như gần gũi về vị trí địa lý, có quan hệ truyền thống về thương mại và đầu tư… để thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Tất nhiên, cần cảnh giác và kiểm soát các dự án kém chất lượng, hoặc các dự án đầu tư vào Việt Nam nhằm “lẩn tránh” xuất xứ hàng hóa.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) trước đó cũng cho biết, trên thế giới có hơn 1.500 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó ngành thép chiếm hơn 30% trong tổng số vụ việc.

Nguyên nhân chính là do thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép toàn cầu và Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này với lý do bảo đảm an ninh quốc gia, khiến nhiều quốc gia khác phải đối phó bằng cách sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để hạn chế nhập khẩu thép.

Trong một diễn biến khác, vừa qua, một số người đã tập trung trước tòa nhà thị chính TP. Busan (Hàn Quốc) để phản đối chính quyền với kế hoạch thu hút dự án thép không gỉ cán nguội từ tập đoàn thép Trung Quốc do lo ngại về “bẫy xuất xứ”, làm ảnh hưởng đến ngành thép nội địa cũng đang trong giai đoạn khó khăn.

Nguồn: Báo Đầu tư


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác