THU HÚT FDI - SÀNG LỌC CÁC DỰ ÁN FDI QUY MÔ NHỎ VÀO VIỆT NAM

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 15,27 tỷ USD, bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh vẫn tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2021, góp phần duy trì ổn định tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước (chỉ giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ). Tuy nhiên số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh giảm so với cùng kỳ (tương ứng 43,3% và 12,5%). Sự biến động này chủ yếu nằm ở các nhóm dự án quy mô nhỏ. 

Dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn ra khiến lượng dự án đăng ký mới và tăng thêm giảm đáng kể, tuy nhiên, số lượng dự án đó hầu hết là các dự án nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang sàng lọc được các dự án có quy mô nhỏ, vốn là điều bấy lâu các chuyên gia kinh tế đang khuyến cáo không nên đón nhận.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nước ta đã đón nhận được một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD; Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD;…

Mặc dù COVID-19 góp phần giúp Việt Nam loại bỏ được một số dự án FDI quy mô nhỏ, nhưng ở góc độ khác, sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm sút dẫn đến việc giảm số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần. Theo Ngân hàng thế giới (World Bank), mức cam kết đầu tư thấp hơn này có thể phản ánh các yếu tố thời vụ, nhưng cũng thể hiện “sự thận trọng” của các nhà đầu tư nước ngoài do tình hình bùng phát dịch hiện nay. Bên cạnh đó, một nguyên nhân phải kể đến trong tình hình hiện nay là các quốc gia trên thế giới vẫn đang duy trì biện pháp hạn chế di chuyển, các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác đang bị tạm dừng, hoặc nếu có vào được thì thủ tục cũng rất phức tạp do vậy các nhà đầu tư không thể đến địa điểm đầu tư để khảo sát tình hình trực tiếp. Về nguyên nhân chủ quan, nhiều cơ chế, còn có vấn đề liên quan đến rào cản về thủ tục đầu tư kinh doanh,… Hiện nay có nhiều chính sách đang được sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi hơn nữa cho Việt Nam thu hút vốn FDI. 

Để có thể sàng lọc dự án quy mô nhỏ, thu hút được dự án FDI mới chất lượng hơn, trong thời gian tới, ngoài việc cải thiện các môi trường chính sách đầu tư, nước ta cần phải cải thiện thêm những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,…


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác