Thu hút đầu tư KCN Cà Mau: Cần hoàn thiện hạ tầng và nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư

Cà Mau hiện có 01 khu kinh tế (KKT) và 03 khu công nghiệp (KCN). Năm 2019 Ban Quản lý KTT Cà Mau thu hút cấp mới 05 dựán, tổng vốn đăng ký tăng 2.368,96 tỷ đồng; điều chỉnh 06 dự án; thu hồi 02 dự án. Lũy kế đến nay, các KCN, KKT có 36 dự án được cấp chứng nhận đầu tư còn hiệu lực, vốn đăng ký 17.031,7 tỷ đồng (trong đó có 02 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 1.828 tỷ đồng).

Thời gian qua, Ban Quản lý KKT đã tranh thủ nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ để tập trung thực hiện GPMB và hỗ trợ đầu tư cơ bản về hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông trục chính N1, D6, cổng chào, hàng rào KCN, hệ thống cây xanh, hệ thống thoát nước, điện, thông tin liên lạc, cấp nước… tại KCN Khánh An. Với việc đầu tư hoàn chỉnh một số hạ tầng tiện ích, công bố giá cho thuê đất và các chính sách ưu đãi đầu tư, thì tỷ lệ lắp đầy ở KCN Khánh An khá tốt, đến nay có 20 dự án đầu tư đăng ký, vốn đăng ký 15.402,94 tỷ đồng tập trung vào các ngành công nghiệp xử lý khí, vật liệu xây dựng, sản xuất gỗ, bao bì. Nhìn chung, các dự án đã thực hiện tốt so với tiến độ cam kết và dần đi vào hoạt động có hiệu quả. Dự kiến trong giai đoạn tiếp theo, KCN Khánh An sẽ mở rộng thêm diện tích từ 235 ha ban đầu lên 500 ha để thu hút thêm nhà đầu tư cũng như đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với KKT Năm Căn và các KCN còn lại gặp không ít khó khăn trong đầu tư hạ tầng và thu hút nhà đầu tư bởi nhiều nguyên nhân. Thực tế cho thấy KKT Năm Căn, Sông Đốc chưa tạo được quỹ đất sạch do nguồn kinh phí chưa chủ động thực hiện GPMB. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài KCN, KKT còn nhiều hạn chế, chưa có hạ tầng giao thông đường bộ, cảng đồng bộ (cảng Năm Căn thời gian qua do Vinasine quản lý hoạt động không hiệu quả do vậy không được đầu tư); cộng với nền đất yếu, chi phí đầu tư cao, khó khăn trong công tác GPMB… kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

Riêng KCN Hòa Trung thì tỉnh đã giao Trung tâm Phát triển Quỹ đất thực hiện kiểm điểm, đo đạc và lên phương án GPMB để tạo quỹ đất sạch tuy nhiên cũng cần có thời gian.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Ái –Trưởng ban BQL KKT Tỉnh thì Cà Mau chưa thu hút được nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN; các dự án còn ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là các dự án chế biến thủy sản, phế phẩm thủy sản, bột cá tại KCN Hòa Trung, Sông Đốc do chưa có nhà máy xử lý nước thải. Mặt khác, vị trí Cà Mau nằm xa các trung tâm kinh tế cả nước (TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ), cho nên ngoài việc áp dụng các chính ưu đãi chung như các tỉnh khác, thì Cà Mau cần xây dựng chính sách hỗ trợ nhà đầu tư vào KCN, KKT để khắc phục, bù đắp những bất lợi về vị trí và điều kiện hạ tầng.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Luật đầu tư và một số Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua cho thấy còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các Luật,đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, môi trường… Sự trùng lặp, chồng chéo trong các quy định về vấn đề này giữa các Luật đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư, cơ quan quản lý trong việc triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động này. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn, cách hiểu và cách tiếp cận thực hiện của các bộ, ngành và địa phương còn khác nhau, dẫn đến mất nhiều thời gian để thống nhất cách tiếp cận, đặc biệt trong vấn đề hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư,…

Thực tiễn cho thấy hoạt động xúc tiến đầu tư là hoạt động lâu dài, bền bĩ do liên quan đến quá trình khảo sát, đánh giá hiệu quả dự án, nhất là các dự án quy mô lớn, động lực thường kéo dài qua nhiều năm mới đem lại kết quả.

Nhằm phát huy hơn nữa những tiềm năng và cơ hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, Trước mắt, ngoài nguồn vốn tạm ứng ngân sách để GPMB, thời gian tới Ban Quản lý sẽ tiếp tục xúc tiến để thu hút các nhà đầu tư hạ tầng nhằm tạo quỹ đất sạch đáp ứng các dự án đầu tư thứ cấp tại các KCN, KKT. Ban Quản lý sẽ định hướng các hoạt động chiến lược cũng như các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thu hút đầu tư vào các KCN, KKT tỉnh Cà Mau giai đoạn từ đây đến năm 2020 để phát huy nội lực trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn góp phần phát triển KT-XH của tỉnh và tập trung toàn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ các KCN, KKT. Giai đoạn 2019 – 2020,triển vọng thu hút trên 7 dự án đầu tư vào các KCN, KKT, vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.000 tỷ đồng; trong đó có thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI khoảng 01 dự án; vốn đầu tư trên 10 triệu USD.

Trong đó: Phấn đấu đến 2021 mở rộng KCN KhánhAn. Tập trung đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn,công nghệ cao (may mặc, giày, thủy sản); phát huy tiềm năng thế mạnh từ gỗ,chuối… Tập trung thu hút mời gọi đầu tư hạ tầng, xử lý nước thải tập trung cải thiện môi trường; hạn chế tiếp nhận các dự án chế biến phế phẩm thủy sản và các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu ở KCN Hòa Trung; Ưu tiên mời gọi đầu tư các lĩnh vực hậu cần, kho bãi, cảng, đóng mới tàu thuyền phục vụ khai thác biển KCN Sông Đốc phấn đấu đủ điều kiện thành lập KCN trong năm 2020;KKT Năm Căn sẽ ưu tiên mời gọi các dự án vào lĩnh vực tài chính – thương mại –dịch vụ – viễn thông, công nghệ thông tin – đô thị, dân cư. Tập trung thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, thu hút đầu tư các dự án thành phần Khu tổ hợp công nghệ cao thủy sản là dự án động lực của KKT gắn với tiềm năng thế mạnh từ con tôm; dịch vụ hậu cần cảng, logicstic phục vụ kết nối với Cảng biển Hòn Khoai./.

Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác