Quảng Bình tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Nhằm thu hút hơn nữa vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án của các nhà đầu tư, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến tích cực trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính đến tháng 3 năm 2020, toàn tỉnh có 23 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 783,512 triệu USD, trong đó 09 dự án đã đi vào hoạt động chính thức. Năm 2019, các dự án FDI đã thực hiện giải ngân được khoảng 15,81 triệu USD, lũy kế đến nay khoảng 542 triệu USD. Các dự án đi vào hoạt động tương đối hiệu quả, doanh thu ước đạt trên 302,3 triệu USD; giải quyết việc làm cho 1.466 lao động; đóng góp ngân sách Nhà nước đạt 7,54 triệu USD.
Đặc biệt, Dự án Trang trại điện gió B&T, công suất 252 MW với số vốn đầu tư khoảng 8.900 tỷ đồng đã hoàn thành hồ sơ nghiên cứu khả thi, đang chờ Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện lực tỉnh Quảng Bình để trình phê duyệt chủ trương đầu tư và thực hiện trong năm 2020.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế do các nhà đầu tư FDI mang lại cho địa phương chưa được cao, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách của tỉnh và thu nhập cho người lao động còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu đặt ra theo chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, Quảng Bình có xuất phát điểm thấp, tốc độ phát triển không cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém và chưa đồng bộ, dân số phân bố không đều, điều kiện sống, mức sống còn thấp đã trở thành rào cản, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn như một số địa phương khác trong nước và khu vực Bắc Trung Bộ, Chỉ số PCI thấp.
Trong năm 2020, các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh như: du lịch, dịch vụ, bất động sản; sản xuất năng lượng tái tạo và công nghiệp chế tạo; công nghiệp phụ trợ; sản xuất nông nghiệp sạch và chế biến nông lâm sản, thủy sản... là các lĩnh vực mà toàn tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; hơn nữa, địa phương tích cực tiếp cận, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư có năng lực tài chính lớn, có bề dày kinh nghiệm, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài đến từ nền kinh tế phát triển: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…. Cùng với đó, các cấp, các ngành và địa phương tập trung hỗ trợ nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư tại tỉnh như: Tập đoàn Ayala, AC Energy, Inc, B&T Windfarm triển khai Dự án Trang trại điện gió B&T, công suất 252 MW; Tập đoàn Solar Philippines triển khai khảo sát dự án điện mặt trời; Công ty Seoutheast Asia Capital Group (Mỹ) khảo sát Dự án Cụm cảng tổng hợp Hòn La; Tập đoàn Sowitec nghiên cứu đầu tư nhà máy điện gió Quảng Bình 1 với công suất 252 MW tại huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa; Tập đoàn Fortis Home về đầu tư Dự án Trung tâm thương mại thông minh STC tại thành phố Đồng Hới.
Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ và nguồn vốn đăng ký; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, sớm đưa dự án vào thực hiện trong thời gian sớm nhất. Tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư; rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh loại bỏ trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị thực hiện dự án đầu tư; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư, danh mục những dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2018 -2020; cung cấp kịp thời thông tin cơ bản về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển cho nhà đầu tư khi có yêu cầu; tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh.
Mặt khác, các sở, ngành của địa phương tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước và tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư trên địa bàn; quan tâm xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình đầu tư một cách có hiệu quả, nhanh chóng theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, sử dụng đất, xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các vùng trọng điểm, tập trung vào quy hoạch trọng tâm cấp bách.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ ngành Trung ương quan tâm giới thiệu, hỗ trợ cung cấp thông tin doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng cho tỉnh, tạo điều kiện và giúp đỡ tỉnh thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo phương thức trực tiếp làm việc với đối tác, nhà đầu tư trong việc tìm kiếm cơ hội, nắm bắt nhu cầu đầu tư cũng như tháo gỡ những khó khăn cho dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh…


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác