Khu kinh tế Thái Bình: Cơ hội lớn cho nhà đầu tư và tỉnh Thái Bình tăng trưởng kinh tế

Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiều ngày 11/2 thảo luận về tình hình thực hiện một số nội dung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và một số nội dung quan trọng khác. Hiện nay, Khu kinh tế Thái Bình đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đã có 29 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình; trong đó phải kể đến những nhà đầu tư lớn nổi tiếng có uy tín, kinh nghiệm, năng lực tài chính mạnh như Tổng công ty IDICO-CTCP, Công ty Cổ phần SHC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Geleximco, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành, Công ty Capitaland Holding PTE.LTD, Công ty Cổ phần Green i-Park, Công ty Cổ phần Capella, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, Tập đoàn Sembcorp - Singapore…. Với tính chất là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, Khu kinh tế Thái Bình sẽ trở thành động lực, tạo bước ngoặt đưa kinh tế của tỉnh Thái Bình tăng tốc trong thời gian tới.


Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 tại Khu kinh tế Thái Bình.
Nguồn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (evn.com.vn)

Khu Kinh tế Thái Bình (KKT) có diện tích tự nhiên 30.583 ha bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển, trong đó huyện Thái Thụy gồm 14 xã và 01 Thị trấn, huyện Tiền Hải gồm 16 xã.  Với tầm nhìn đến năm 2050, KKT sẽ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Theo quy hoạch xây dựng chung, các khu chức năng trong Khu Kinh tế Thái Bình sẽ bao gồm Trung tâm điện lực Thái Bình; các khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong Khu Kinh tế với tổng diện tích 8.020 ha; Khu cảng biển Thái Bình với các khu bến, khoảng 500 ha; các đô thị như Thị trấn Diêm Điền mở rộng, Thị trấn Tiền Hải mở rộng, đô thị Thụy Trường, đô thị Đông Minh, đô thị Nam Phú; các khu du lịch và dịch vụ tập trung có diện tích 3.110 ha; các khu dân cư nông thôn và nông nghiệp. 
Trong số các khu kinh tế ven biển dọc đất nước, trong con mắt các nhà đầu tư lớn thì KKT có nhiều tiềm năng, thế mạnh hấp dẫn nhất. Trước hết là về vị trí, KKT nằm ở gần các đầu mối giao thông quan trọng của vùng: cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 40km, cảng biển Hải Phòng khoảng 30km và tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy nội địa của quốc gia. Ngoài ra, KKT còn nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Thêm vào đó, KKT có địa hình bằng phẳng, hệ sinh thái đa dạng với cảnh quan thiên nhiên đẹp như cồn Vành, cồn Đen, Đồng Châu lại nằm gần với các di sản thiên nhiên thế giới: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Tràng An (Ninh Bình)... là điều kiện lý tưởng cho các dự án phát triển kinh tế, du lịch, thương mại.
Nguồn tài nguyên, năng lượng tại chỗ dồi dào với trữ lượng lớn khí mỏ, than nâu đã và đang được nghiên cứu khai thác của KKT cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Với khoảng 52km bờ biển, hàng chục nghìn km2 vùng lãnh hải cũng là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản phát triển. KKT hiện đã có một số khu chức năng đang hoạt động với các công trình trọng điểm lớn như Trung tâm điện lực Thái Bình có 2 nhà máy nhiệt điện, tổng công suất 1.800MW, cung cấp khoảng 10,8 tỷ kWh/năm; dự án dẫn khí từ biển vào bờ, đang khai thác với sản lượng 200 triệu m3 khí/năm; Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Nhà máy Amoniac; cảng Diêm Điền... Đây là nguồn cung năng lượng tại chỗ mà ít có khu kinh tế nào có được.
Để Khu kinh tế sớm đi vào hoạt động, tỉnh Thái Bình đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại (đường không, đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ) và giao thông đối nội. Trong đó, tỉnh quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình, tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh kết nối Thái Bình với Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 39, quốc lộ 37 và 37B, đường tỉnh 459, 262, 464, 465… với tổng nhu cầu vốn đầu tư gần 10.500 tỷ đồng nhằm tạo ra hạ tầng giao thông kết nối, đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư tại KKT.
Để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, Thái Bình đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; có cơ chế đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho một số doanh nghiệp tầm cỡ lớn phát triển thành doanh nghiệp đầu tàu, hoạt động đa lĩnh vực, có quy mô khu vực và quốc tế để tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đào tạo lao động ở các trình độ; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.
Làn sóng đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình đang mở ra cơ hội cho tỉnh bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và hình thành một khu kinh tế hiện đại, hiệu quả bậc nhất của cả nước trong thời gian tới. Theo tính toán của các chuyên gia, dự báo tăng trưởng kinh tế trong Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 đạt 125.301 tỷ đồng và đạt khoảng 523.415 tỷ đồng vào năm 2040.


Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác