Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế của Hàn Quốc tại Việt Nam: nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phát triển ổn định, tham gia nhiều các FTA, các bộ, ngành, địa phương quan tâm... Đây là điều kiện tốt để các doanh nghiệp Hàn Quốc yên tâm đầu tư sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Trong bối cảnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp hai bên cần thường xuyên kết nối, trao đổi, phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh, đầu tư hơn nữa.

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 với Việt Nam, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ, với kim ngạch thương mại song phương năm 2019 đạt gần 67 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm của các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử... Ngược lại, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn của Hàn Quốc với các nhóm ngành hàng máy móc, thiết bị phục vụ đầu tư, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, dược phẩm, hàng điện tử tiêu dùng.

Về đầu tư, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp và tổng số vốn đầu tư tích lũy kể đến tháng 10 năm 2020 đạt gần 70,4 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam với 8.934 dự án. Trong 10 tháng năm 2020, Hàn Quốc đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, với 3,42 tỷ USD, đứng sau Singapore với 7,51 tỷ USD. Việc có một dự án điện khí 4 tỷ USD khiến Singapore dễ dàng vượt lên dẫn đầu. Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án mới, thì Hàn Quốc vẫn đứng ngôi vị quán quân, với 528 dự án. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đứng đầu về số lượt góp vốn, mua cổ phần, với 1.626 lượt trong 10 tháng qua.

Các tập đoàn, doanh nghiệp FDI Hàn Quốc hiện đang góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thặng dư thương mại của Việt Nam trong những năm qua. Để có được kết quả này là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc, của Chính phủ hai nước, đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều cơ hội dành cho doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đang ở phía trước như Việt Nam đã và đang thực thi các cam kêt của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) bước vào giai đoạn thực thi, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết vào ngày 15/11 vừa qua.

Các hiệp định này bao trùm khoảng 60 nền kinh tế, là các đối tác thương mại chủ chốt chiếm tới 90% kim ngạch thương mại của Việt Nam, hứa hẹn sẽ tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt nam nói chung và cơ hội tạo sự bứt phá tăng trưởng cho doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tại Việt Nam nói riêng.


Hàn Quốc đang ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, với lý do không chỉ vì số lượng vốn lớn, mà còn vì vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút vốn FDI của Việt Nam. Sự có mặt của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng đến năng lượng, ô tô đến hàng không vũ trụ, bất động sản đến tài chính ngân hàng, startups đến cổ phần hóa DNNN, logistics đến dịch vụ... Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, xuất khẩu, tạo công ăn, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

Đồng thời, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là những đối tác chiến lược của những Tập đoàn hàng đầu Việt Nam như Kebhanabank sở hữu 15% cổ phần BIDV, SK sở hữu 6% cổ phần của Vingroup... Đây không chỉ là những dự án hợp tác để tiếp cận thị trường Việt Nam mà còn mở ra một chương mới, khi doanh nghiệp hai nước cùng hướng đến thị trường khu vực và thế giới. Cùng với các hoạt động đầu tư, quy mô thương mại giữa hai nước cũng không ngừng gia tăng, đạt khoảng 70 tỷ USD vào năm 2019 và 65,1 tỷ USD năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19.

FDI Hàn Quốc góp phần quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu cả nước, tác động đến nhiều thành phần kinh tế khác trong nước, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu… phát triển, giúp tạo việc làm cho trên 700,000 lao động ở nhiều địa phương.

Với sự có mặt của các tập đoàn kinh tế lớn như: Samsung, LG (lĩnh vực công nghiệp chế tạo), Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco (lĩnh vực công nghiệp nặng và đóng tàu) đã có tác động quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phát triển; đặc biệt là các lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện - điện tử, dệt may, da giày…

Đối với lĩnh vực xuất – nhập khẩu, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc đã góp phần nâng cao năng lực xuất khẩu, giúp chúng ta từng bước tham gia và cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển dịch từ đa phần xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm nông lâm thủy sản sơ chế và hàng hóa có giá trị gia tăng thấp sang cơ cấu xuất khẩu nhóm hàng điện tử, cơ khí chế tạo, nông lâm thủy sản chế biến sâu và hàng tiêu dùng giá trị gia tăng cao.

Nguồn vốn FDI của Hàn Quốc đã tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, EU… đồng thời, còn góp phần ổn định thị trường trong nước, hạn chế nhập siêu thông qua việc cung cấp cho thị trường nội địa các sản phẩm chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất thay vì phải nhập khẩu như trước đây.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn. Hai giai đoạn đầu gắn với dự án đầu tư thâm dụng lao động và sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử. Giai đoạn 3, đầu tư từ Hàn Quốc có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp.

Thực tế của việc nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc xuất hiện tại Việt Nam khiến các ngân hàng xứ Hàn cũng đã nghiên cứu khả năng mở chi nhánh tại Việt Nam. Ngay cả các công ty chứng khoán Hàn Quốc cũng không ngừng hiện diện tại Việt Nam. Mới đây, cuối tháng 8/2020, công ty Chứng khoán JB Việt Nam đã được cấp giấy phép thành lập, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Đây là công ty chứng khoán thứ 7 của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam, sau một loạt tên tuổi khác, như KIS, Mirae Asset, KBSV, Shinhan, Pinetree… Ngày càng nhiều công ty chứng khoán, ngân hàng và tài chính của Hàn Quốc tiến vào thị trường Việt Nam. Quy mô dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc cũng ngày càng tăng, không chỉ các tập đoàn lớn, mà những doanh nghiệp nhỏ hay start-up của Hàn Quốc cũng đã đặt chân đến thị trường Việt Nam.

Theo phân tích của các những nhà đầu tư Hàn Quốc, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại có nhiều nét tương đồng với thị trường chứng khoán Hàn Quốc 20 - 30 năm trước, tức là đang ở quãng đầu của giai đoạn tăng trưởng mạnh. Vì vậy, họ chọn mua những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng, nắm giữ trong thời gian dài, ít khi đầu tư theo kiểu lướt sóng. Lý do chính đến từ cả từ hai phía: ở phía Hàn Quốc là nhu cầu đầu tư ra các thị trường mới nổi gia tăng trong bối cảnh các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong nước dần trở nên khan hiếm. Còn ở phía Việt Nam là các chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài của Chính phủ, cùng sức hấp dẫn riêng của một nền kinh tế năng động và tăng trưởng ổn định.

Riêng với lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia trong khu vực chưa hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này, đại diện Korcham khuyến nghị, Chính phủ cần có chính sách cởi mở để phát triển fintech rộng rãi và nếu xảy ra “vấn đề” thì tìm cách xử lý, điều chỉnh pháp luật để quản lý. Hiện nay, đã có gần 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh... với tổng đầu tư lên tới hàng tỉ USD.

Sự xuất hiện của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính trước mắt nhằm cung cấp dịch vụ tài chính cho chính các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Đây đều là những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc và có khả năng huy động vốn với giá thấp.

Vì vậy, tài chính - ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới với bài toán hỗ trợ tài chính cho phương án hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam và khi tỉ trọng đóng góp của các doanh nghiệp này vượt trên 30% quy mô nền kinh tế.





Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác