Bình Phước nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đẩy mạnh thu hút đầu tư

Năm 2019, Bình Phước thu hút 132 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 10.249 tỷ đồng và 43 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn 472,6 triệu USD (kể cả cấp mới và điều chỉnh), tăng 18,15% so với năm 2018.

Để đạt được kết quả này, tỉnh Bình Phước đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong năm 2019 bao gồm đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bình Phước thường xuyên thực hiện đánh giá chỉ số PCI để có nhiều giải pháp phù hợp nâng cao hiệu quả của công tác cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, Bình Phước đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, các mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 19 của Chính phủ thành chương trình, kế hoạch hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong toàn tỉnh. Các Sở, ban ngành thực hiện và theo dõi tiến độ, cập nhật đầy đủ, chính xác chủ trương, cơ chế chính sách lên Cổng thông tin điện tử và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được dễ dàng, thuận lợi.

Tại Bình Phước, chỉ số “Đào tạo lao động” được coi là chỉ số rất quan trọng, chiếm trọng số cao 20% nên có ảnh hưởng lớn đến chỉ số PCI của tỉnh. Vì vậy, năm 2019, tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức điều tra cung – cầu lao động để cập nhật thông tin thị trường lao động. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, cắt giảm 21 thủ tục hành chính, giảm 32,13% thời gian so với quy định; thanh tra, giải quyết các kiến nghị liên quan đến lao động và bảo hiểm xã hội. 


Sản xuất hạt điều tại Bình Phước

Bên cạnh đó, theo ông Võ Sá – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước, việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng được vận hành, đáp ứng yêu cầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, góp phần giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp và xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của cán bộ công chức. Như vậy, thủ tục gia nhập thị trường, thời gian cấp đăng ký doanh nghiệp rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 1,5 ngày làm việc. Đối với hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả trong ngày. Thời gian giải quyết cho doanh nghiệp mua hóa đơn giá trị gia tăng thực hiện tối đa 2 ngày theo quy định.

Đặc biệt, đối với dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế được thực hiện theo mô hình “4 tại chỗ” tại Trung tâm hành chính công. Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế được cắt giảm về số lượng hồ sơ và ứng dụng công nghệ thông tin qua hệ thống dịch vụ công của tỉnh trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp; thực hiện các quy định kiểm soát trong doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư.

Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn cần sự nỗ lực của các Sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Qua đó, người dân, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp sẽ có sự gắn kết. Trước mắt, Bình Phước chú trọng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đưa công tác cải cách thủ tục hành chính đi vào thực chất, hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp, ủng hộ các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững, tạo được môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp và nhà đầu tư.



Tìm hiểu về các địa phương, vùng nguyên liệu và khu công nghiệp thông qua hệ thống bản đồ cập nhật và chính xác